Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm C hôm nay có những chi tiết liên quan đến 3 Lễ Trọng tiếp theo Chúa Nhật VI Phục Sinh này, đó là Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên (Thứ Năm tuần VI Phục Sinh): "Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy"; Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Chúa Nhật sau Chúa Nhật VII cuối Mùa Phục Sinh): "Ðấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con"; và Lễ Chúa Ba Ngôi (Chúa Nhật sau Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống): "Ðấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy".
Trong Tuần VI Phục Sinh này, không phải chỉ có Chúa Nhật mà còn suốt cả tuần, các bài Phúc Âm nói riêng và Phụng Vụ Lời Chúa nói chung, đều nói về Chúa Thánh Thần. Vấn đề trước hết được đặt ra ở đây là tại sao Đại Lễ Chúa Thánh Thần cách 2 tuần nữa mà Giáo Hội đã bắt đầu chọn đọc các bài Phúc Âm về Chúa Thánh Thần ở ngay tuần Thứ Sáu Phục Sinh? Tại sao không để vào Chúa Nhật và cả tuần Thứ VII Phục Sinh cho gần hơn và sát hơn có phải hợp tình hợp lý hơn hay chăng??
Xin thưa, bởi vì Tuần Thứ VII Phục Sinh đã được Giáo Hội chọn đọc các bài Phúc Âm về Lời Nguyện Hiến Tế kết thúc Bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô, trong đó, Người xin cho tất cả được hiệp nhất nên một như Thiên Chúa. Mà tình trạng hiệp thông thần linh đây là tác động của Chúa Thánh Thần là nguyên lý hiệp thông, bởi thế Chúa Thánh Thần cần phải được nói đến trước và biết đến đã ngay trong Tuần VI trước Tuần VII Phục Sinh.
Tuy nhiên, chủ đề "Thày là sự sống" trong Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh, vẫn thích hợp cho tới chính Đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, nghĩa là bao gồm cả Tuần VI và Tuần VII Phục Sinh. Bởi vì, Chúa Thánh Thần được nói đến trong Tuần VI Phục Sinh, chính là "Đấng ban sự sống", hay là nguồn sự sống thần linh, và mối hiệp thông thần linh, được chất chứa trong các bài Phúc Âm của Tuần VII Phục Sinh, (bao gồm cả 2 bài phúc âm, ở cuối đoạn 21 của Phúc Âm Thánh Gioan, không thuộc về Lời Nguyện Hiến Tế của Chúa Kitô kết thúc Bữa Tiệc Ly, nhưng cũng có ý nghĩa hiệp thông thần linh), là tột đỉnh của sự sống thần linh, là mục đích của việc tạo dựng ngay từ ban đầu của Thiên Chúa cùng với việc cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, và là chính thực tại của sự sống thần linh.
Trong bài Phúc Âm cho Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm C này, Chúa Thánh Thần được Chúa Kitô mạc khải cho biết thứ tự như sau:
1- "Ðấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy": Trước hết, trong nội bộ Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi, Thánh Thần là Đấng nhiệm xuất từ Cha và Con như Giáo Hội Công Giáo tuyên xưng: "Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra" (Kinh Tin Kính), chứ không phải chỉ từ Cha như Giáo Hội Chính Thống chủ trương. "Thánh Thần" là Ngôi Ba được "Cha sai đến", nhưng Ngài chỉ được "Cha sai đến" "nhân danh Thày" mà thôi, nghĩa là vì một vai vế cao hơn chính Ngôi Thánh Thần là Ngôi Con trong Ba Ngôi Thiên Chúa ... Thế nhưng, Ngài được "Cha sai đến" đâu và "đến" với ai, nếu không phải "đến" với Giáo Hội do chính Chúa Kitô thiết lập và là Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Và để làm gì? Câu trả lời sẽ được các bài phúc âm trong Tuần VI Phục Sinh này trả lời cho biết, bao gồm cả bài Phúc Âm của chính Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm C hôm nay.
2- "Chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con". Trước hết, "Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thày" là để "dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con". Tuy nhiên, vì Chúa Thánh Thần được "Cha sai đến nhân danh Thày" nên Ngài sẽ không "dạy các con" những gì của riêng Ngài và theo ý của Ngài, tức là sẽ mạc khải thêm cho các tông đồ ngoài chính những gì Chúa Kitô đã mạc khải và là chính tất cả mạc khải thần linh. Chúa Kitô đã được Cha sai đến không hề làm theo ý mình thế nào thì Chúa Thành Thần được "Cha sai đến nhân danh Thày" cũng chỉ "dạy các con mọi sự" Thày đã truyền dạy các con mà thôi, bằng cách 'nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con", nghĩa là làm cho Giáo Hội càng ngày càng thấu hiểu hơn mạc khải thần linh nơi từng thời đại lịch sử loài người.
Điển hình nhất là trường hợp được Sách Tông Vụ trong Bài Đọc I hôm nay nhắc đến, đó là quyết định của các Thánh Tông Đồ, trong đó có 3 vị chính: Tông Đồ Phêrô là Giáo Hoàng tiên khởi đại diện Chúa Kitô trên trần gian lo cho đàn chiên phổ quát của Chúa Kitô, tiếp đến là Tông Đồ Giacôbê là Giám Mục cai quản Giáo Hội ở Giêrusalem thuộc cấp thẩm quyền địa phương bấy giờ, và còn có cả Tông Đồ Phaolô đặc trách dân ngoại, bao gồm các Giáo Hội mới được thành lập ở ngoài Giáo Phận Jerusalem. Quyết định của các vị nơi Công Đồng Chung Jerusalem của Giáo Hội sơ khai, Giáo Hội tiên khởi này đó là dân ngoại trở lại Kitô giáo không cần phải chịu phép cắt bì theo Do Thái giáo mới được cứu độ, như có một số tín hữu Do Thái giáo cực đoan trở lại Kitô giáo chủ trương và loan truyền. Thế nhưng, trong Văn Thư chính thức của công đồng về quyết định ấy đã cho thấy quyết định ấy bởi "Thánh Thần và chúng tôi". "Thánh Thần" trước", "chúng tôi" sau. Có nghĩa là "Người sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con", đó là "Ai tin vào tin mừng và chịu phép rửa thì được cứu độ" (Marco 16:16), chứ không cần cắt bì nữa.
Cho dù Kitô hữu không cần phải chịu phép cắt bì của Do Thái giáo đi nữa, nhưng dầu sao, theo nguyên tắc thì "ơn cứu độ xuất phát từ dân Do Thái" (Gioan 4:22), nghĩa là, ở một ý nghĩa nào đó, từ chính Đấng sáng lập và thành phần tông đồ là nền tảng của Giáo Hội toàn là những con người thuộc "dân Do Thái", và từ "Jerusalem, khắp Giuđêa và Samaria" (Tông Vụ 1:8) là giáo đô của Do Thái giáo và những miền đất của "dân Do Thái". Chưa hết, Kitô giáo có nguồn gốc từ Do Thái giáo, từ lịch sử cứu độ của "dân Do Thái", một lịch sử cứu độ đã được nên trọn "khi thời gian đã viên mãn" (Galata 4:4). Thế nhưng, chính vì lịch sử cứu độ của "dân Do Thái" đã và chỉ đạt đến tột đỉnh nơi Đức Giêsu Thiên sai Cứu Thế, giáo tổ Kitô giáo mà chỉ cần tin vào tin mừng về Người và lãnh nhận Phép Rửa nhân danh Người là đủ được cứu độ, một tin mừng do Giáo Hội rao giảng và một phép rửa do Giáo Hội ban phát. Như thế, cho dù Kitô giáo bắt nguồn từ Do Thái giáo, nhưng ngược lại Do Thái giáo chỉ nên trọn nơi Kitô giáo, hay nói ngược lại Kitô giáo là tầm vóc trọn hảo của Do Thái giáo.
Đó là lý do Sách Khải Huyền trong Bài Đọc II hôm nay đã cho thấy mối liên hệ giữa Do Thái giáo và Kitô giáo bất khả thiếu và bất khả phân ly nơi hình ảnh về một Thành Thánh Giêrusalem, ám chỉ Giáo Hội vinh quang của Chúa Kitô ở vào tận điểm của Mầu Nhiệm Cánh Chung, đó là một "thành thánh Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa... Thành có tường lũy cao lớn, trổ mười hai cổng, trên các cổng có mười hai thiên thần, và có khắc tên mười hai chi họ con cái Israel... Tường thành xây trên mười hai móng có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên". Trong bài đọc II này, hình ảnh Do Thái giáo được tiêu biểu nơi "mười hai cổng.. có khắc tên mười hai chi họ con cái Israel", nơi phải qua mới có thể vào trong thành, và hình ảnh Kitô giáo được tiêu biểu nơi "mười hai móng có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên" mà "tường thành xây trên". Hình ảnh 12 cổng thành liên quan đến Do Thái giáo trước và 12 móng của tường thành liên quan đến Kitô giáo sau như thế không phải đã chất chứa ý nghĩa Do Thái giáo dẫn đến Kitô giáo và Kitô giáo là tầm vóc trọn hảo của Do Thái giáo hay sao?
Dù sao cả hai, 12 cổng vào thành ám chỉ Do Thái và 12 móng tường thành ám chỉ Kitô giáo này cũng là 2 yếu tố bất khả thiếu để làm nên thành thánh Giêrusalem vinh quang, làm nên Giáo Hội Cánh Chung của Chúa Kitô, bao gồm cả "dân Do Thái" lẫn tất cả dân ngoại, nghĩa là toàn thể loài người. Bởi vì Thiên Chúa dựng nên loài người chỉ muốn trở thành Thiên Chúa ở cùng họ, là Emmanuel của họ (xem Gioan 1:14), thành phần được "Ngài ban cho quyền làm con Thiên Chúa" (Gioan 1:12), được "Con tỏ danh Cha cho họ... để tình cha với họ sống trong họ và Con sống trong họ" (Gioan 17:26). Do đó mà Bài Đọc II đã kết thúc bằng một hình ảnh và một sự thật về "thành thánh Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa" thật là chính xácnhư thế này: "Còn đền thờ, tôi không thấy có trong thành, vì Thiên Chúa toàn năng và Con Chiên là đền thờ của thành. Thành không cần mặt trời, mặt trăng chiếu soi: vì đã có vinh quang Thiên Chúa chiếu sáng nó, và đèn của nó chính là Con Chiên". Đó là lý do Bài Đáp Ca hôm nay mới có những tâm tình hân hoan chúc tụng như sau:
1) Xin Thiên Chúa xót thương và chúc phúc lành cho chúng con, xin chiếu giãi trên chúng con ánh sáng tôn nhan Chúa, để trên địa cầu người ta nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân thiên hạ được biết rõ ơn Ngài cứu độ.
2) Các dân tộc hãy vui mừng hoan hỉ, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu.
3) Chư dân, hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng con, và cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài.